Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo và cách tân trong các ngành kinh tế chủ lực năm 2024, Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư công bố Top 10 Most Innovative Enterprises (Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả – VIE10). Đây là những doanh nghiệp có tiềm năng và hiệu quả kinh doanh tốt nhờ tăng cường áp dụng và đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, cách tân.
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và tôn vinh tầm quan trọng của đổi mới, sáng tạo, cách tân trong phát triển đất nước và doanh nghiệp.
Danh sách VIE 10 ngành Bán lẻ và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình https://vie10.vn
Bức tranh ngành bán lẻ Việt Nam 2023-2024: Sóng sau xô sóng trước
Thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận định là thị trường tiềm năng, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Hệ thống phân phối hiện đại, thương mại điện tử mới ở giai đoạn phát triển ban đầu, tỷ trọng chiếm lĩnh chỉ từ 10 – 20%. Tính chung cả năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%) nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 11,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,5%; may mặc tăng 7,1%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,4%.
Nhìn chung, kết quả sản xuất kinh doanh ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2023 chưa cao do lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chững lại. Năm 2023, bán lẻ dược phẩm được xem là ngành bán lẻ hoạt động tốt nhất. Về mặt lợi nhuận, bán lẻ trang sức có mức tăng trưởng tích cực trong khi các nhà bán lẻ tạp hóa và dược phẩm giảm lỗ.
Dự báo doanh thu của ngành bán lẻ năm 2024 sẽ có sự tăng trưởng so với năm 2023 do sự phục hồi kinh tế và mức nền cơ sở 2023 thấp. Ngoài ra, hiệu ứng của cả chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng được triển khai trong suốt giai đoạn 2023-2024, sẽ hỗ trợ sức mua người tiêu dùng mạnh mẽ hơn trong nửa sau năm 2024.
Một số doanh nghiệp bán lẻ điển hình trong VIE10 đã có kế hoạch kinh doanh đầy triển vọng trong năm 2024 có thể kể đến: FPT Retail lên kế hoạch doanh thu tăng 17%, lên 37.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 125 tỷ đồng. Thế giới di động cũng đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 2.400 tỷ đồng, tăng 13,29 lần so với thực hiện trong năm 2023. PNJ với mục tiêu doanh thu 37.147 tỉ đồng, tăng 12% so với 2023 và lợi nhuận sau thuế tăng 6% lên 2.089 tỉ đồng. Digiworld đưa ra chỉ tiêu doanh thu năm 2024 đạt 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22%; lợi nhuận sau thuế 490 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với năm 2023. Chỉ tiêu doanh thu kế hoạch năm 2024 của riêng Satra là 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận là 3.700 tỷ đồng….
Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam: Ô cửa sổ sống còn
Trong thời đại mà việc đứng yên đồng nghĩa với việc bị tụt lại phía sau, thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt không chỉ là đổi mới mà còn phải đổi mới một cách bền vững và hiệu quả. Chiến lược đổi mới kinh doanh là một yếu tố cốt lõi cho sự thành công lâu dài của bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào. Chiến lược đổi mới sáng tạo cho phép các doanh nghiệp bán lẻ trong VIE10 đi trước đối thủ cạnh tranh, thích ứng với những điều kiện thị trường đang thay đổi và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Các nghiên cứu quốc tế cho thấy các công ty chú trọng đến sự đổi mới và thay đổi trong tổ chức có một nền văn hóa mạnh mẽ vượt trội so với đối thủ cạnh tranh. Các công ty có văn hóa đổi mới mạnh mẽ có mức tăng trưởng giá trị doanh nghiệp cao hơn 30% và mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn 20% so với các công ty cùng ngành.
Trong năm 2023, ngành bán lẻ ở Việt Nam đã chứng kiến một sự gia tăng đáng kể về đổi mới và sáng tạo cả về sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh. Nổi bật là 5 xu hướng định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành bán lẻ bao gồm: Thứ nhất, mua sắm trực tuyến và tích hợp đa kênh; Thứ hai, cải thiện trải nghiệm khách hàng; Thứ ba, sử dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo (AI); Thứ tư, phát triển các hình thức mua sắm mới như mua sắm qua video trực tiếp (livestream shopping) và mua sắm qua ứng dụng di động đã trở nên phổ biến; Thứ năm, bán lẻ thông minh và tương tác.
Điển hình có thể kể đến như WinMart, Lotte Mart, và AEON Mall đã tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng thông qua việc tối ưu hóa không gian cửa hàng, cung cấp dịch vụ thuận tiện và tạo ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn hoặc các doanh nghiệp như The Gioi Di Dong và Mobile World đã đầu tư vào việc phát triển các cửa hàng thông minh và tương tác, kết hợp giữa mô hình bán lẻ truyền thống và công nghệ mới như VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) để tạo ra trải nghiệm mua sắm độc đáo cho khách hàng. Công nghệ số cũng được áp dụng tại DOJI Smart giúp trải nghiệm hành trình mua sắm trang sức thông minh. Khách hàng được chào hỏi bởi Robot lễ tân Pepper với biểu cảm thân thiện có thể nhận diện khách hàng qua Face ID.
Trên thực tế, để thích ứng và đối phó với sự chuyển dịch của nền kinh tế số, các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam đang dần biến đổi thành các doanh nghiệp số khi tập trung phát triển các cửa hàng trực tuyến. Nhiều siêu thị tại Việt Nam đã thành công trong việc phát triển kênh mua sắm trực tuyến riêng như VinID, BigC, … Và ngày càng có nhiều các nền tảng mua sắm trực tuyến như Shopee, Lazada, Shopee, Tiki, … đang thúc đẩy hoạt động mua bán của nhiều ngành hàng. Kinh doanh trực tuyến đang trở thành một bước quan trọng giúp doanh nghiệp bán lẻ tồn tại trong thời đại kỹ thuật số.
Trong khảo sát của Viet Research với các doanh nghiệp bán lẻ trong VIE10 cũng cho thấy hơn 80% doanh nghiệp bán lẻ VIE10 cho biết đầu tư vào đổi mới sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số là những đầu tư “không hối tiếc” song song với thay đổi mô hình đầu tư không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng mà tạo đà cho tăng trưởng giai đoạn lâu dài về sau. Đó cũng là tầm nhìn chiến lược mà các nhà bán lẻ đang đặt ra để bắt kịp thay đổi thói quen tiêu dùng mới.
Xu hướng đổi mới sáng tạo chính trong ngành bán lẻ Việt nam
Nghiên cứu của Viet Research về đổi mới sáng tạo và cách tân trong ngành bán lẻ cho thấy nổi lên 06 xu hướng sau:
- Thanh toán thông minh
Thanh toán không tiếp xúc và thanh toán không cần thu ngân, được hỗ trợ bởi các công nghệ tiên tiến, đang tăng cường sự tiện lợi và giảm thiểu thời gian chờ đợi của khách hàng. Các doanh nghiệp bán lẻ sử dụng cảm biến, blockchain, NFC và sinh trắc học để tự động hóa và xác thực thanh toán bán lẻ. Các giải pháp thanh toán không tiếp xúc tại điểm bán hàng (POS) như quét QR, sử dụng điện thoại thông minh của khách hàng cho xác thực thanh toán giúp giảm thiểu thời gian xếp hàng và chờ đợi trong các cửa hàng. Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ cắt giảm được chi phí lao động và tăng khả năng xử lý và phục vụ khách hàng, đặc biệt trong giờ cao điểm mua sắm.
- Mua sắm “không tiếp xúc”
Để thích ứng với giai đoạn, tình hình mới, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã tích cực đẩy mạnh mở rộng gian hàng trên các kênh trực tiếp và thương mại điện tử phong phú với mong muốn tăng cường tương tác giữa khách hàng và thương hiệu, cũng như tối ưu hóa quyền lợi khách hàng. Nhờ mô hình 3D, công nghệ thực tế tăng cường AR đem lại cái nhìn tổng quát và đa góc của sản phẩm, giúp khách hàng có sự xem xét và đánh giá chân thực.
- Thương mại đa kênh
Bán hàng đa kênh vẫn được xác định là “cứu cánh” trong tình hình kinh tế nhiều biến động, giá thuê mặt bằng tại các thành phố lớn đang có sự trồi sụt thất thường, sự siết chặt quy định trên sàn thương mại điện tử lớn, sự thay đổi về thuật toán trên các mạng xã hội – ảnh hưởng đến quá trình tiếp thị, chào bán sản phẩm của ngành bán lẻ. Tích hợp thương mại điện tử và thương mại di động là chiến lược được các nhà bán lẻ lớn và cửa hàng nhỏ áp dụng. Những tiến bộ trong mạng xã hội bao gồm phát trực tiếp, chia sẻ bài đăng, podcast và mạng lưới người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
- Tự động hóa tại cửa hàng
Để mang đến trải nghiệm tại cửa hàng tốt hơn, hợp vệ sinh và an toàn hơn, các doanh nghiệp bán lẻ đang dần sử dụng rô-bốt dọn dẹp và chatbot nhằm tối ưu hoá trải nghiệm cho khách hàng. Các công nghệ như IoT, 5G, AI, điện toán biên, AR và VR đang cách mạng hóa hoạt động của cửa hàng. Những tiến bộ này tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý hiệu quả không gian kệ, mức tồn kho và nhãn sản phẩm. Tự động hóa tại cửa hàng cung cấp cho các nhà bán lẻ các điểm dữ liệu có giá trị để khám phá các cơ hội doanh thu, thu hút khách hàng và tối ưu hóa hoạt động của cửa hàng.
- Tính bền vững
Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng, ý thức của khách hàng về thói quen mua sắm và lối sống ngày càng tăng. Sự thay đổi này đang thúc đẩy các nhà bán lẻ lâu đời kết hợp tính bền vững vào các loại sản phẩm và hoạt động của họ. Các xu hướng như thực phẩm được trồng hữu cơ, sản phẩm có nguồn gốc địa phương, biên lai kỹ thuật số và vận chuyển không phát thải đang thúc đẩy tính bền vững của ngành bán lẻ. Ngoài ra, các nhà bán lẻ đang áp dụng bao bì phân hủy sinh học và các nguồn năng lượng tái tạo, điều này không chỉ làm giảm tác động đến môi trường mà còn thu hút người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường.
- Trí tuệ nhân tạo tạo sinh
Theo các nghiên cứu quốc tế, bùng nổ đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là AI tạo sinh đã giúp tổng giá trị các công ty sáng tạo trong lĩnh vực này tăng gấp 6 lần chỉ sau 2 năm với hơn 48 tỷ USD. AI được nhận định là ngành kinh doanh tăng trưởng “cực mạnh”. Tổng chi tiêu cho các hệ thống AI được dự báo sẽ đạt 97,9 tỷ USD vào năm 2023, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2019.
Trong bán lẻ, các công nghệ như AI, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), học máy (ML) và học sâu (DL) đang nâng cao hoạt động tại cửa hàng và trải nghiệm của khách hàng. Việc bán hàng bằng thuật toán được tối ưu hóa bởi AI cho phép lập kế hoạch dự đoán hàng tồn kho và phân bổ hàng tồn kho hiệu quả. Công nghệ này cũng làm tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng và cho phép tối ưu hóa chi phí và giá cả tại các cửa hàng cũng như khi tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ nhà cung cấp.
Những ứng dụng AI này giúp các nhà bán lẻ cải thiện tỷ suất lợi nhuận và đưa ra các chiến lược tiếp thị tối ưu. Phân tích hành vi và cảm xúc của người tiêu dùng được hỗ trợ bởi AI góp phần siêu cá nhân hóa việc cung cấp và khuyến mãi sản phẩm. Ngoài ra, AI được tận dụng để tùy chỉnh thiết kế sản phẩm và đề xuất được cá nhân hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình của khách hàng được liền mạch.
Bất kỳ thị trường nào cũng trải qua chu kỳ phát triển rất giống nhau: khởi đầu (thành), phát triển (trụ), trưởng thành (hoại), và suy thoái (diệt). Đối với Việt Nam, thị trường bán lẻ đang bắt đầu vào giai đoạn thứ hai, phát triển. Đó là lý do vì sao Việt Nam được đánh giá trong báo cáo chỉ số phát triển ngành bán lẻ toàn cầu của AT. Kearney là thị trường đứng thứ 5 trong top 10 thị trường bán lẻ đang tạo sức hút lớn nhất trên thế giới.
Cuộc chạy đua, không còn là mở bao nhiêu cửa hàng theo cách truyền thống nữa. Cuộc chạy đua bây giờ là mô hình và cách tiếp cận sáng tạo để luôn giữ được kết nối phù hợp trong sự chuyển động chóng mặt của những hình thức kết nối với khách hàng. Công nghệ có thể thay đổi nhanh chóng, nhưng nguyên tắc vàng trong kinh doanh vẫn là hiểu và đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng tại mọi thời điểm. Doanh nghiệp hiểu được nguyên tắc này, sẽ không bao giờ hài lòng với thành tựu hiện tại, và sẽ không ngần ngại thay đổi, cách tân mô hình mới khi đó là nhu cầu thực tế của khách hàng.
Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bán lẻ thuộc số ít các ngành có thể duy trì đà tăng trưởng bởi chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Chính phủ. Những yếu tố thuận lợi của ngành bán lẻ rất cần sự chủ động phát huy từ các nhà bán hàng để thu được hiệu quả doanh thu cao nhất.
Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Danh sách Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 ngành Bán lẻ sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề Cách tân để Phát triển tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 24 tháng 06 năm 2024 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình https://vie10.vn/ và trên các kênh truyền thông đại chúng.